Chuyển đổi số ngành nông nghiệp là gì?
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp là quá trình áp dụng các công nghệ hiện đại và đổi mới kỹ thuật số vào các khía cạnh khác nhau của nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững trong ngành.
Lợi ích của chuyển đổi số đối với ngành nông nghiệp
1. Tăng năng suất và hiệu quả
Chuyển đổi số giúp nông dân tăng năng suất bằng cách áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, sử dụng các giống cây trồng và vật nuôi mới, và quản lý đất đai hiệu quả hơn. Nhiều địa phương đã áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp như sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh trong canh tác từ làm đất đến bón phân, tưới nước, thu hoạch. Điều này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và sức lao động đồng thời tăng năng suất và tăng thu nhập cho nông dân.
2. Tăng chất lượng
Chuyển đổi số giúp nông dân tăng chất lượng nông sản bằng cách phân tích dữ liệu về môi trường, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, chẳng hạn như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng và các chất dinh dưỡng. Từ đó, người nông dân sẽ có quyết định đúng đắn hơn như lượng phân bón, thời gian canh tác, phụ thuốc bảo vệ thực vật,…
3. Tăng tính bền vững
Chuyển đổi số giúp nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững bằng cách sử dụng các phương pháp như:
- Sử dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, chẳng hạn như sử dụng phân bón hữu cơ, tưới tiêu tiết kiệm nước, và quản lý đất đai bền vững.
- Sử dụng các giống cây trồng và vật nuôi mới, có khả năng chống chịu hạn hán, lũ lụt, và các tác động khá, giúp nông dân tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Chuyển đổi số hỗ trợ sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, giá cả hợp lý và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giúp tăng thu nhập của nông dân và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Một số công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp
1. IoT và cảm biến trên cánh đồng
IoT cho phép kết nối các thiết bị và máy móc trong nông nghiệp với nhau, tạo ra một hệ thống thông tin toàn diện về hoạt động sản xuất. Thông tin này có thể được sử dụng để giám sát tình trạng cây trồng, vật nuôi, đất đai, môi trường và các yếu tố khác ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Hệ thống cũng kết nối với các thiết bị được lắp đặt tại cánh động để tự động tưới nước, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng theo sự điều khiển của con người. Các cảm biến hỗ trợ nông dân cập nhật thông tin theo thời gian thực, do đó có thể thực hiện các thay đổi phù hợp với cây trồng của họ.
2. Trí tuệ nhân tạo AI
AI có thể được sử dụng để tự động hóa các công việc trong nông nghiệp, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, ra quyết định, điều khiển máy móc và thiết bị. Đồng thời AI còn được sử dụng để phát triển các giống cây trồng và vật nuôi mới, có khả năng chống chịu sâu bệnh, hạn hán và các tác động của biến đổi khí hậu. Trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp sẽ cải thiện năng suất và đem lại sản lượng cao và nhanh hơn.
3. Dữ liệu lớn Big Data
Big Data có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau, chẳng hạn như cảm biến, máy ảnh, thiết bị giám sát và các hệ thống khác. Phân tích Big Data có thể giúp nông dân đưa ra các quyết định tốt hơn về việc trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất đai và sử dụng các nguồn lực khác.
4. Máy bay không người lái (MBKNL) giám sát cây trồng
Máy bay không người lái trông giống như một chiếc máy bay thu nhỏ được điều khiển từ xa. Thiết bị này có thể sử dụng để giám sát cây trồng, phun thuốc bảo vệ thực vật từ trên cao với hiệu suất lớn, xuất ra hình ảnh 3 chiều để dự báo chất lượng đất và phân tích, mô hình hóa cây trồng.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính bền vững và khả năng cạnh tranh của ngành.