Sầu riêng tươi Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 24 thị trường và đang hướng đến Ấn Độ

Hiện Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, cùng với việc tham gia các cộng đồng lớn như ASEAN, Liên minh Kinh tế Á – Âu. Đây là dư địa để sầu riêng có thể tăng trưởng hơn nữa về giá trị xuất khẩu.

Sầu riêng tươi Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 24 thị trường. Sầu riêng đông lạnh cũng đang xuất khẩu sang 23 thị trường. Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đạt trên 300.000 tấn.

Sầu riêng tươi Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 24 thị trường và đang hướng đến Ấn Độ

Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán để mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho quả sầu riêng. Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với phía Ấn Độ để có thể mở cửa thị trường đối với quả sầu riêng sang đây.

Đây là thị trường tỷ dân, rất tiềm năng, nhưng không hề dễ tính. Do đó, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam có rất nhiều dư địa thị trường để phát triển, song phải đảm bảo được khâu tổ chức sản xuất, chất lượng.

Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ có các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu… đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.

Hiện sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với mùa vụ ở Tây Nguyên nghịch so với nhiều nước cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Việt Nam có 422 vùng trồng và 153 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt cùng 64 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói đang trong tình trạng hoàn thiện để được Trung Quốc cấp mã số. Bên cạnh đó, hơn 600 mã số vùng trồng và 50 cơ sở đóng gói sẽ gửi sang Trung Quốc để phê duyệt. Sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu khi ngày càng có sự đầu tư các vùng trồng theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe khác.

Nguồn: thuonghieuvaphapluat.vn

Danh mục