Sầu riêng Việt đối diện rủi ro gì khi gia nhập ngành hàng xuất khẩu tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu sầu riêng mang về 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2023, sầu riêng chính là nhóm hàng đóng góp lớn cho kỷ lục của rau quả.

Đặc biệt, đà tăng của loại trái cây này được dự báo còn tiếp tục bởi đây là lợi thế của Việt Nam khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ. Thời điểm từ tháng 9, hầu như chỉ có Việt Nam có vụ sầu riêng và đây là lợi thế về xuất khẩu.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực về thị trường và giá bán sau khi có được “tấm hộ chiếu” xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thì ngành hàng sầu riêng cũng đối mặt nhiều biến động, bất an khi liên tục bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật, chất lượng không đảm bảo khi múi bị sống sượng, quả thối hỏng không thể chín vì trái bị cắt non.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do có những thời điểm giá lên cao, thương lái gom hàng mạnh, chủ vườn tranh thủ bán hàng chạy giá theo kiểu cắt một lần là sạch vườn thì tỷ lệ trái non rất lớn.

Việc chất lượng sầu riêng xuất khẩu nảy sinh nhiều vấn đề, thị trường tranh mua, tranh bán, bát nháo như hiện nay, theo các chuyên gia, lý do một phần nằm ở lòng tham của chủ vườn, thương lái; song phần lớn là trách nhiệm thuộc về các cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Mặt khác, vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng Việt Nam hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng. Trong khi tại Thái Lan, nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải cắt trái kiểm tra, nếu chất lượng đảm bảo mới được phép cắt bán cho doanh nghiệp. Chính vì cách quản lý này nên sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, trong khi giá nhập khẩu sầu riêng Thái Lan và Việt Nam nhiều thời điểm ngang nhau, nhưng nếu làm hàng Thái Lan thì yên tâm về chất lượng, mẫu mã. Tình trạng này đang khiến loại trái cây xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam bị giảm uy tín, nguy cơ khó giữ được thị trường xuất khẩu bền vững.

Về việc này, ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, Bộ cũng đã nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng sầu riêng bị cắt non, chất lượng không đảm bảo, sang đến thị trường nhập khẩu bị thối hỏng phải đổ bỏ. Dù số lượng các lô hàng này không nhiều nhưng tác động rất tiêu cực đến uy tín, hình ảnh sầu riêng Việt Nam.

Nguồn: https://baomoi.com/gia-nhap-nganh-hang-xuat-khau-ty-usd-sau-rieng-viet-doi-dien-rui-ro-gi/c/46811690.epi

Danh mục